Attic red-figure cup by the Euaion Painter, ca. 460–450 BC |
Trước Công nguyên (TCN), tướng Julius Caesar (năm 100-44 TCN) giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền cộng hòa La Mã thành đế quốc La Mã. Đế quốc này mở rộng tới Đại Tây Dương sau khi Caesar xâm chiếm trọn xứ Gaul (nay là phần đất Tây Âu bao gồm Pháp, Bỉ, phía Tây Thụy Sĩ, một phần của Hà Lan và Đức bên bờ Tây sông Rhine). Ông được xem là một trong những thiên tài quân sự, chính trị gia lỗi lạc, và lãnh tụ hùng mạnh nhất của thế giới cổ. Viện Nguyên lão chỉ định ông làm quan chấp chính độc tài mãn đời. Sau khi ông chết 2 năm, Viện Nguyên lão chính thức tuyên bố ông là một trong các vị thần của La Mã. Tuy nhiên, Caesar khá tai tiếng về đời sống tính dục. Các đối thủ chính trị của ông tích cực khai thác nhược điểm này nhằm hạ bệ người hùng lắm tài nhiều tật.
Julius Caesar
Julius Caesar có 3 vợ chính thức. Bà đầu là Cornelia Cinnilla, chết khoảng năm 69 TCN. Vài năm sau ông tục huyền với Pompeia Sulla, một phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, nhưng kém thông minh. Năm 59 TCN, ông cưới Calpurnia Pisonis, không có con với bà, thế nên bà rất căm phẫn khi biết ông có con trai với tình nhân là nữ hoàng Ai Cập Cleopatra (năm 69-30 TCN). Tình nhân thứ hai của Julius Caesar là bà Servilia Caepionis (lớn tuổi hơn Caesar). Sau này con trai của bà ta (tên Brutus) cùng với một số người đã ám sát Caesar (tháng 3-44 TCN) vì sợ ông sẽ lên làm hoàng đế.
Caesar còn có những 'yêu đương' đồng giới nam, một chuyện bình thường và phổ biến trong giới thượng lưu La Mã cổ. Luật tục không cấm quý tộc quan hệ đồng giới với nam nô lệ. Thế nhưng, công luận đả kích nam công dân tự do hứng chịu tư thế thụ động khi chấp nhận cho bạn tình quan hệ qua đường hậu môn (kê giao)! Tư thế thụ động của kẻ ấy được người La Mã giải thích là sự tùng phục, là tự biến mình thành nô lệ của kẻ kia.
Năm 80 TCN, với vai trò sứ thần, Caesar được phái tới xứ Bithynia nằm ở Tây Bắc Tiểu Á. Tại đó Caesar và vua Nicomedes III (năm 128-94 TCN) đã có quan hệ kê giao mà kẻ thụ động dĩ nhiên là Caesar, nhỏ hơn Nicomede 8 tuổi. Thế nên thiên hạ đàm tiếu rằng Caesar chinh phục dân xứ Gaul nhưng Nicomedes lại chinh phục Caesar. Theo sử gia Dio Cassius Cocceianus, (khoảng 165-229), Caesar đã phải thề thốt để bác bỏ dư luận đầy ác ý.
Khi Caesar bị ám sát, điệt tôn của ông là Octavius (năm 63-14 TCN) đang du học ở Apollonia (nay là Albania). Vì không có con hợp pháp, trước đó Caesar đã lập di chúc nhận Octavius làm con nuôi và cho thừa kế chính thức. Octavius mang tên mới là Caesar Augustus, về sau trở thành vị hoàng đế đầu tiên, danh tiếng của La Mã.
Danh tướng kiêm chính trị gia Marcus Antonius-Octavius - (năm 83-30 TCN) vốn là hậu thuẫn quan trọng của Caesar, từng liên minh với Augustus sau khi Caesar chết. Năm 31 TCN, ông bị Augustus đánh bại trong trận thủy chiến ở Actium (Hy Lạp) và ở Alexandria (Ai Cập). Hậu quả, Antonius đành tự sát cùng với vợ là nữ hoàng Cleopatra (năm 30 TCN). Có lẽ do nhiều mâu thuẫn với Augustus, Antonius từng rêu rao rằng Antonius được Caesar chọn làm con nuôi chỉ vì xưa kia chú nhỏ đã có quan hệ kê giao với cha nuôi!
Elagabalus
Trong thời gian trị vì (năm 218-222), Elagabalus lần lượt cưới và ly dị 5 bà vợ. Bất chấp các cấm kỵ về tính dục, Elagabalus từng công khai khoe rằng sở thích tính dục đồng giới nam của ông mãnh liệt hơn các tiên đế, bởi lẽ các tiên đế thỉnh thoảng ngẫu hứng mới yêu đương đồng giới. Sống cùng thời với Elagabalus, sử gia Dio Cassius Cocceianus (khoảng năm 165-229) cho biết, hoàng đế Elagabalus cư xử như phụ nữ (thích trang điểm diêm dúa, thân thể hở hang) và xem Hierocles như là chồng, dù đấy là một nô lệ quê ở Caria thuộc Tiểu Á. Hoàng đế hứa chia nửa đế quốc La Mã cho bất kỳ danh y nào có khả năng biến ông trở thành phụ nữ thực thụ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét