Không được xã hội thừa nhận, nhiều cặp là người đồng giới đã sống với nhau mấy chục năm, không ít trong số họ còn có với nhau những đứa con nuôi để san sẻ yêu thương như một gia đình bình thường.
Mới đây, những câu chuyện trong “gia đình” người đồng giới được kể và chia sẻ trong Hội thảo “Hôn nhân cùng giới – tiếng nói người trong cuộc”, do Nhóm Kết nối và chia sẻ thông tin (ICS) tổ chức tại Q.1, TP.HCM. Câu chuyện của những “gia đình” đồng giới khiến nhiều người bất ngờ vì đó vẫn còn là một thế giới xa lạ, thậm chí bị kỳ thị bởi không ít người.
Gia đình có 2 người cha
Chuyện tình của hai người đồng tính nam H. và Đ. trải qua khá nhiều sóng gió. H. kể khi biết H. là người đồng giới, cô đã bị gia đình kỳ thị hơn 20 năm trời. “Lúc đó cảm thấy mặc cảm và buồn tủi ghê gớm nhưng rồi H. đã vượt qua và quen với Đ.” – H. chia sẻ.
Sau gần 7 năm chung sống, đến nay gia đình bên “ngoại” đã chấp nhận chuyện sống chung của H. và Đ. nhưng họ vẫn chưa dám “ra mắt” với gia đình bên “nội”. Khi hai vợ chồng của người anh ruột li dị, H. đã nhận nuôi đứa con trai của anh mình và chăm sóc từ khi 6 tháng đến nay đã là 22 tuổi.
Một trong những cặp đôi đồng tính nữ đang chung sống với nhau chia sẻ câu chuyện tại hội thảo “Đứa nhỏ được H. và Đ. coi như con và chia sẻ tất cả những gì cho nó. Chính H. là người đã thay từng tã lót, đút từng miếng ăn cho con nuôi của mình từ khi nó còn bé xíu” – H. kể.
Về mối tình của mình, H. cho rằng “H. không biết đó có phải là tình yêu hay chưa nhưng dù sống với nhau nhiều năm như vậy, những cảm xúc khi thích, khi thương một người hay tâm trạng giận hờn, ghen tuông vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày”.
Hội thảo trên còn chia sẻ thêm về mối tình của hai người đồng tính nam D. và P., một người Mỹ, một người Việt, kéo dài đến nay là 20 năm. Hiện nay, “gia đình” này còn có thêm 2 đứa con trai, một 15 tuổi, một 11 tuổi.
P. kể: Ban đầu hai người quen biết nhau ở Mỹ, sinh sống ở đó một thời gian và đã đăng ký kết hôn ở Mỹ. Sau này về Việt Nam làm việc và sống với nhau hơn 10 năm. Trong quá trình sống với nhau, hai người đã nghĩ đến việc có những đứa con để “vui cửa, vui nhà”.
“Gia đình” D. và P. cùng 2 đứa con trai cùng chia sẻ câu chuyện bản thân với mọi người
Vậy là P. làm giấy tờ xin một đứa con nuôi, sau đó là D. làm giấy tờ xin thêm đứa con nữa. “Thời điểm xin bé nhỏ chỉ mới 5 tuổi, bé lớn được 11 tuổi. Từ khi có 2 bé trong nhà, không khí tổ ấm rất vui vì có thêm tiếng cười đùa của con nít” – P. kể.
Hai đứa trẻ được đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Bạn bè ở trường cũng không hay biết về “gia đình có hai người bố” của hai em. Nhiều gia đình khi biết con cái là người đồng tính đã không vượt qua được áp lực, mặc cảm xã hội. Họ không tránh được những đổ vỡ trong gia đình và đẩy con cái, những đứa trẻ chưa đủ kỹ năng sống, ra ngoài xã hội. Điều đó rất đau lòng!
D. cho biết, đối với hai đứa trẻ thì gia đình này có hai người bố. “Tôi và P. đều mong muốn con mình lớn lên, phát triển tốt như những đứa trẻ khác. Trong gia đình, chúng tôi đều cố gắng lo cho hai đứa nhỏ vật chất, được học hành, được yêu thương một cách tốt nhất” – D. tâm sự.
Mối lo khi xã hội không thừa nhận
Tuy nhiên, trong gia đình của D. và P. vẫn luôn tồn tại một nỗi lo lắng vì không được xã hội và luật pháp thừa nhận. P. lo lắng: “Nếu có gì đó xảy ra với tôi thì đứa con nhỏ trở nên bơ vơ vì trên giấy tờ D. không có quan hệ gì. Và nếu có chuyện gì xảy ra với D., tôi cũng khó có thể đứng ra lo lắng cho đứa con trai lớn. Mặc dù chúng tôi đã sống và chăm sóc nhau một thời gian dài như một gia đình”.
D. và P. hy vọng một ngày không xa, luật pháp sẽ cho phép người đồng tính kết hôn để những đứa con trong gia đình được thừa nhận là con của cả hai. K., cũng là một đồng tính nam cho biết hiện K. cũng đang sống cùng với bạn là R. trong một nhà. Tuy nhiên, K. cho rằng vì không được xã hội và luật pháp thừa nhận, nên nếu có chuyện gì xảy ra với K., toàn bộ tài sản sẽ được phân chia cho anh, chị em của K. theo luật. “Trong khi đó, người cùng sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ những buồn vui với mình lại không được hưởng gì”.K. cho rằng người đồng giới khi chung sống với nhau sẽ thiệt thòi về nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, xin con, ….
Còn với H., khi H. thay đổi diện mạo như một người phụ nữ thì cuộc sống thật không dễ dàng. Khi đi xin việc ở nhiều nơi, H. đều bị từ chối vì trên giấy tờ là nam nhưng hình dáng bên ngoài là của một “liễu yếu đào tơ”. H. mong mỏi: “Hy vọng thời gian tới, điều trước mắt là người đồng giới sẽ được xã hội thừa nhận và có cái nhìn thiện cảm hơn để họ có thể sống và làm việc tốt hơn”.
Xuất hiện nhiều đám cưới của người đồng tính
Tháng 4.1998, đám cưới của hai cô gái tại TP.HCM với khoảng 100 khách mời đã gây bất ngờ vì trước đó, người ta chưa được nghe đến điều này.
Tiếp sau đó đến tháng 3.1998, đám cưới của hai cô gái ở tỉnh Vĩnh Long được tổ chức.
Năm 2000, Luật Hôn nhân bổ sung nội dung “cấm kết hôn giữa những người đồng giới”.
Năm 2002, Bộ Lao động thương binh và xã hội kêu gọi bài trừ đồng tính luyến ái như bài trừ tệ nạn xã hội.
Bất chấp những định kiến và rào cản pháp lý, tháng 12.2010, tiếp tục đám cưới của cặp đồng tính nữ công khai tại Hà Nội gây xôn xao. Tháng 6.2011, đam cưới của cặp đồng tính nam tổ chức tại TP.HCM rồi đám cưới của một cặp nữ khác tổ chức công khai tháng 2.2012 tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau.
Gần đây nhất là tháng 5.2012, đám cưới của cặp đồng tính nam tổ chức trước sự chứng kiến chung vui của bố mẹ hai bên, họ hàng và bạn bè tại thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.
Hiện nay, đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và 40 quốc gia, vùng lãnh thổ khác cho phép “chung sống có đăng ký”. Có khoảng 78 quốc gia coi việc kết hôn của người đồng giới là phạm pháp.Tại 5 quốc gia, việc kết hôn đồng giới có thể sẽ bị tử hình.
Chất lượng sống tốt hơn khi được công nhận
Ông Jonas Tillberg, Giám đốc Chương trình Hợp tác quốc tế, Hội Giáo dục Tính dục Thụy Điển (RFSU) cho rằng xu hướng trên thế giới hiện nay là ngày càng có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận hôn nhân đồng giới. Ông cho rằng tại Thụy Điển, khi những cặp đồng giới được kết hôn, chung sống, được hưởng quyền nuôi con chung, phân chia tài sản… thì chất lượng cuộc sống tốt hơn, các cặp đôi cảm thấy hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc của đứa trẻ không phụ thuộc vào giới tính của ba mẹ
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết: Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa và Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ năm 2002, đối với trẻ là con của bố mẹ đồng giới thì không có bằng chứng những đứa trẻ này bị ảnh hưởng hoặc phát triển tiêu cực. Nghiên cứu cho thấy hạnh phúc của đứa trẻ không phải phụ thuộc vào giới tính của người nuôi nấng mà phụ thuộc vào quan hệ giữa bố, mẹ với con cái và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Được gia đình nhìn nhận vẫn chưa đủ
Phụ huynh C., ngụ tại TP.HCM, có con trai là người đồng tính chia sẻ tại hội thảo nói trên: Việc chấp nhận giới tính của con thật sự rất khó khăn đối với tôi. Thế nhưng, nếu ngay cả gia đình không có cái nhìn thiện cảm thì con cái sẽ biết dựa vào đâu để tự tin bước vào đời? Ai làm cha mẹ cũng muốn con cái được hạnh phúc, sống có ích cho xã hội và được xã hội, luật pháp thừa nhận.
Nhiều gia đình khi biết con cái là người đồng tính đã không vượt qua được áp lực, mặc cảm xã hội. Họ không tránh được những đổ vỡ trong gia đình và đẩy con cái, những đứa trẻ chưa đủ kỹ năng sống, ra ngoài xã hội. Điều đó rất đau lòng!
Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012
- Blogger Comments
- Facebook Comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét